Thị trường bất động sản Bình Dương đang thay đổi với hàng loạt dự án được rầm rộ triển khai để đáp ứng nhu cầu nhà ở.
Những chỉ số tăng trưởng ấn tượng
Theo thống kê, trong năm 2019 chỉ số thu hút đầu tư (FDI) và thu nhập bình quân (GDP) của Bình Dương đứng thứ 3 cả nước. Nộp ngân sách nhà nước cũng thuộc top đầu. Hiện toàn tỉnh có 29 khu công nghiệp và 12 cụm công nghiệp tổng quy mô 10.000 ha, chiếm ¼ diện tích KCN toàn miền Nam, tỷ lệ lấp đầy trung bình trên 70%.
Đến nay có 65 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Bình Dương, chủ yếu là Nhật Bản, Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc… Bình Dương cũng đã được phê duyệt quy hoạch phát triển 34 KCN với tổng diện tích 14.790 ha. Ngoài ra, sau sự kiện Covid-19, Việt Nam đang trở thành điểm đến sáng giá được các cường quốc công nghiệp chọn để dịch chuyển nhà xưởng. Chỉ tính riêng Nhật Bản đã có 30 doanh nghiệp tuyên bố rời Trung Quốc, 50% trong số đó lựa chọn đầu tư vào Việt Nam.
Bình Dương cũng là địa phương của Việt Nam lọt top 21 thành phố thông minh nhất thế giới (Smart21) do ICF bình chọn và là tỉnh có tốc độ đô thị hóa cao nhất cả nước, lên tới 80,1% năm 2019.
Cùng với công nghiệp, lĩnh vực thương mại dịch vụ tại Bình Dương cũng phát triển nhanh với các đô thị sầm uất mọc lên ngày càng dày đặc. Đến nay tỉnh đã có 3 thành phố (Thủ Dầu Một, Thuận An và Dĩ An). Số lượng doanh nghiệp tăng lên gần 44.000. Tiện ích cao cấp chuẩn quốc tế xuất hiện ngày càng nhiều với quy mô lớn như Aeon, Lotte, MM Mega Market, Co.opmart (lĩnh vực thương mại), bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc, Becamex, Columbia Asia Hospital (lĩnh vực y tế), hệ thống trường quốc tế Việt Hoa (Tân Uyên), trường mầm non MMI Việt Nam (Thuận An), trường Đại học Quốc tế Việt Đức…Hay mới đây nhất là khu đô thị Đại học Cổng Xanh quy mô 626 ha tại Tân Uyên.
Có thể thấy, Bình Dương giờ đây không đơn thuần là "sân sau" của TP. HCM mà đã trở thành cực phát triển trọng điểm - độc lập, bật lên từ chính thế mạnh hạ tầng và vai trò thiết yếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tốc độ phát triển mạnh mẽ của thủ phủ công nghiệp đứng đầu cả nước đang là nhân tố chủ lực kéo theo sự phát triển của bất động sản nhà ở.
Cộng đồng trí thức phía đông Sài Gòn
Nhu cầu dòng sản phẩm cao cấp tăng cao
Báo cáo thị trường của các hãng khả tín như Savills, CBRE, DKRA Vietnam đều chung quan điểm nguồn cung TP HCM tiếp tục giảm tốc trong 2 năm liên tiếp, đặc biệt là phân khúc nhà liền thổ chỉ ghi nhận vài ba dự án chào bán với số lượng ít ỏi do chính sách siết chặt pháp lý và quỹ đất cạn kiệt. Đi kèm theo đó, giá nhà đất tại đây đang chạm đỉnh.
Ngược lại với thực trạng trầm lắng ở TP. HCM, Bình Dương trong thời gian qua chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ với sự tham gia của hàng loạt doanh nghiệp lớn như Becamex, Vingroup, Tokyu (Nhật Bản), Sembcorp (Singapore), SP Setia (Malaysia), Tập đoàn Hưng Thịnh… Đa số sản phẩm tập trung ở phân khúc căn hộ và đất nền. Đáng chú ý, sản phẩm căn hộ liên tục được phát triển rầm rộ và ghi nhận tỷ lệ hấp thụ tốt, chứng tỏ nhu cầu ở là thực và vô cùng cấp thiết.
TP. Dĩ An, trái tim của tam giác kinh tế TP. HCM - Bình Dương - Đồng Nai
Tuy nhiên quan sát chung toàn thị trường, phân khúc căn hộ cao cấp ứng dụng smart home gần như bị bỏ ngỏ. Điều này đã dẫn đến sự bất cập khiến thị trường được đánh giá chưa đáp ứng kịp thời với nhịp phát triển. Bởi lẽ, theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 45.000 chuyên gia, kỹ sư nước ngoài và gần 1.000.000 công nhân kỹ thuật cao, kỹ sư trong nước, mỗi năm nguồn lực tăng từ 20-25%...
Trong đó, đội ngũ kỹ sư, chuyên gia có nguồn thu nhập cao yêu cầu ngày càng khắt khe về không gian sống. Tầng lớp này có nhu cầu sống trong các căn hộ cao cấp, bảo đảm an ninh 24/ 24, tích hợp đầy đủ tiện ích chuẩn mực như công viên nội khu, hồ bơi, sauna, phòng tập yoga, gym, bar và các dịch vụ cao cấp. Đồng thời không gian sống phải thoáng đãng, rộng rãi với nhiều mảng xanh đảm bảo sức khỏe cho cả gia đình, nhất là gia đình có trẻ nhỏ cần không gian vui chơi đa dạng và an toàn.
Ánh Dương
Theo Nhịp sống kinh tế