TP. HCM: Nhiều doanh nghiệp địa ốc tung chiêu mới hút khách sau vụ cháy chung cư Carina

Tin tức và Sự Kiện | 19-09-2018

 

Một số chủ đầu tư địa ốc cho rằng ngay sau khi thảm họa Carina xảy ra, do tâm lý chung nên thị trường căn hộ trong thời gian tới chắc chắn sẽ bị tác động, nhưng không đến mức chững lại.

 
 

Tại TP. HCM nói riêng và cả nước nói chung, thời gian vừa qua đã xảy ra một số vụ cháy tại các khu chung cư. Điều này đã tác động tâm lý đến cư dân đang sống tại chung cư và các khách hàng đang có ý định mua căn hộ để sinh sống. Đó cũng là những hồi chuông cảnh tỉnh, và nhiều chủ đầu tư địa ốc tại TP. HCM đang có bước đi rất riêng trong việc đầu tư cho hệ thống phòng chày chữa cháy (PCCC).

 

Thượng tá Nguyễn Thanh Hưởng, Phó giám đốc phụ trách Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy TP. HCM thống kê, TP. HCM có 406 chung cư trên 10 tầng, 500 chung cư dưới 10 tầng, gần 391 nhà cao tầng. 

 

Ngay sau khi xảy ra vụ cháy chung cư Carina (Q.8), Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC), Công an TP. HCM đã tiến hành kiểm tra, hướng dẫn PCCC đối với 552 lượt cơ sở chung cư, phát hiện 257 lỗi vi phạm, lập biên bản xử phạt 150 vụ với số tiền trên 800 triệu đồng, tạm đình chỉ hoạt động 4 chung cư. 

 

Thế nhưng công tác cứu hộ, cứu nạn tại các tòa nhà cao tầng vẫn đang còn nhiều bất cập khi xe chữa cháy hiện nay chỉ tiếp cận được tầng 20 của các tòa nhà.

 

02 Gian lánh nạn/ block trên tầng 19 tại Q7 Saigon Riverside Complex khi xảy ra sự cố

 

Theo ông Nguyễn Thanh Hải - Trường phòng Quản lý nhà và công sở (Sở Xây dựng TP. HCM), trong thời gian qua tình hình cháy nổ ở TP. HCM diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng các vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Trong năm 2017, TP. HCM đã xảy ra 1.007 vụ cháy, làm chết 26 người, bị thương 44 người, thiệt hại về tài sản khoảng 92,5 tỷ đồng.

 

"Nhà chung cư chiếm 8,4% nhà ở tại TP. HCM. Chung cư phát triển mới ngày càng tăng cao, chiếm 24,6% nhà xây mới. So với 5 năm trước, số lượng chung cư trên địa bàn thành phố đã tăng mạnh gần 15%. Đây là nhu cầu tất yếu của quá trình đô thị hoá", ông Hải phát biểu.

 

Ông Hải thông tin thêm, từ nay đến tháng 9/2018 thành phố sẽ tiến hành tổng rà soát, đánh giá điều kiện an toàn PCCC các chung cư, nhà cao tầng. Trong thời gian vừa qua, tình hình cháy, nổ trong cả nước nói chung, trên địa bàn TP. HCM nói riêng diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng các vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

 

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, căn cứ các văn bản pháp luật hiện hành thì việc mua bảo hiểm cháy nổ là bắt buộc đối với chung cư từ năm 2003. Chẳng hạn, về việc bảo hiểm cháy nổ cho tòa nhà, ngoài quy định tại luật Nhà ở, hệ thống pháp luật về bảo hiểm cũng có quy định rất rõ. Trong quá trình xây dựng công trình tòa nhà, chủ đầu tư phải mua bảo hiểm. Còn khi đã hoàn thiện, bàn giao, cư dân sẽ có trách nhiệm mua bảo hiểm cho căn hộ mình ở.

 

Quy định là như vậy, nhưng thực tế hầu như không mấy ai quan tâm để thực hiện, thậm chí nhiều người dân sống ở CC không hề biết họ phải mua bảo hiểm cháy nổ. Bà Nguyễn Thị Ngọc Mai, đại diện cư dân CC Carina Plaza, cho biết hầu hết các hộ dân tại đây đều không biết quy định về bảo hiểm cháy nổ.

 

Một số chủ đầu tư địa ốc cũng cho rằng ngay sau khi thảm họa Carina xảy ra, do tâm lý chung nên thị trường căn hộ trong thời gian tới chắc chắn sẽ bị tác động, nhưng không đến mức chững lại. Qua sự việc này, nhiều chủ đầu tư sẽ tăng kinh phí trang bị hệ thống PCCC một cách hiệu quả cho các dự án mà mình đang phát triển, trang bị kiến thức cho mỗi người dân để ngăn chặn các vụ cháy nổ ngay trong cuộc sống.

 

Ông Ngô Quang Phúc, Tổng Giám đốc Phú Đông Group, cho rằng các chủ đầu tư đã và đang tăng chi phí đầu tư nhằm tiến hành rà soát lại hoạt động đầu tư của mình đặc biệt là đầu tư hệ thống PCCC, đưa ra tiêu chuẩn an toàn khắt khe hơn, có kế hoạch đầu tư thiết bị tốt hơn; cơ quan QLNN tăng cường công tác kiểm tra giám sát và tuyên truyền; các đơn vị quản lý vận hành chú trọng và tập trung hơn công tác an toàn PCCC và đặc biệt ý thức của người dân cũng cao hơn rất nhiều không chỉ nhà ở chung cư mà còn các các khu vực nhà ở khác.

 

Điển hình nhất là mới đây, để bảo đảm an toàn cho cư dân sống trong các chung cư do Phúc Khang đầu tư, đơn vị này đã ký kết với Tập đoàn UL để đưa công nghệ PCCC của Mỹ vào các chung cư này. Trong đó, dự án đầu tiên là Rome Diamond Lotus tại khu đô thị Thủ Thiêm (Q.2), với tổng vốn đầu tư khoảng 3.500 tỉ đồng. Dự án gồm khoảng 1.000 căn hộ và các shophouse ngay mặt tiền đường Mai Chí Thọ.

 

Đại diện Công ty Phúc Khang cũng nhấn mạnh việc này làm cho vốn đầu tư dự án "đội" thêm khoảng 5%, tuy nhiên tiêu chí hàng đầu để làm dự án mà Phúc Khang đặt ra là chất lượng, an toàn, xanh... cho công trình nên phải đầu tư. 

 

Qua tìm hiểu, được biết với từng dự án, trước khi thi công, chủ đầu tư Novaland luôn xây dựng hồ sơ hệ thống PCCC đáp ứng đầy đủ quy định hiện hành của Nhà nước; đồng thời tham chiếu các bộ tiêu chuẩn PCCC nước ngoài như: NFPA (Mỹ), BS (Anh), AS (Australia). Hồ sơ PCCC của Novaland trước khi thi công đều được thiết kế bởi các công ty tư vấn chuyên nghiệp có nhiều kinh nghiệm về hệ thống PCCC và được thẩm duyệt bởi Cục/Sở Cảnh sát PCCC.

 

Sau khi kết thúc quá trình thi công, Novaland phối hợp với Cảnh sát PCCC kiểm tra, nghiệm thu và chứng nhận hệ thống hoạt động tốt. Khi bàn giao hệ thống PCCC cho đơn vị quản lý tòa nhà, Novaland cung cấp đầy đủ các hồ sơ cần thiết, hướng dẫn vận hành và huấn luyện nhân viên quản lý/bảo trì tòa nhà.

 

Còn ông Trần Quốc Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh, cho biết: "Thảm họa Carina là lời cảnh báo cho toàn thị trường, do vậy các chủ đầu tư phải tự lấy lại niềm tin cho mỗi khách hàng, bởi vì chỉ có khách hàng chọn mình chứ mình không chọn được khách hàng". 

 

Do vậy, doanh nghiệp này đã chi hơn 3 tỷ đồng tăng bình chữa cháy cho mỗi căn hộ tại các dự án do Hưng Thịnh Corp đầu tư, kèm theo đó là các tài liệu nâng cao kiến thức, ý thức PCCC. Song song đó, công ty cũng vừa tặng 1 triệu USD cho TP. HCM để trang bị hệ thống PCCC trên toàn địa bàn.

 

 

Mới đây, chủ đầu tư Hưng Lộc Phát công bố chi gần 100 tỷ đồng để hoàn thiện hệ thống phòng cháy, chữa cháy của dự án căn hộ "Detox & Healthy" Green Star Sky Garden.

 

Số tiền này được dành cho những hạng mục như hệ thống báo cháy được thiết kế, lựa chọn và lắp đặt phù hợp theo các quy chuẩn và tiêu chuẩn mới nhất của Việt Nam và quốc tế như CP10 của Singapore, NFPA 72 của Mỹ và EN54 - châu Âu. Các thiết bị trên được kiểm định bởi đơn vị độc lập uy tín quốc tế.

 

Công ty Berjaya-D2D - chủ đầu tư một dự án khu phức hợp tại Đồng Nai cũng tuyên bố sẽ dành 80 tỷ đồng để trang bị chuỗi vườn cảnh cô lập khói lửa ngay trong lòng toà nhà cùng hệ thống báo cháy tối tân và chuỗi phun nước tự động thông minh cảm biến nhiệt của Mỹ cho riêng từng căn hộ.

 

Hay như tại các dự án chung cư do Phú Đông Group đã và đang đầu tư, ông Phúc cho biết thêm đơn vị này đã tăng thêm chi phí để trang bị đầy đủ bình chữa cháy, in ấn tài liệu mới nhất gửi đến từng hộ dân. Ngoài ra, đội ngũ bảo vệ của từng toà nhà phải thường xuyên kiểm tra hệ thống PCCC, hướng dẫn người dân cách sử dụng an toàn cũng như khuyến cáo các hành vi có khả năng gây cháy trong cuộc sống hàng ngày.

 

Một vấn đề khác nhiều khách hàng mua nhà rất quan tâm là hiện nay, các tầng hầm ở chung cư đều làm bãi đậu xe và có nguy cơ xảy ra cháy nổ ở tầng hầm là khá lớn, thì các bãi xe này có mua bảo hiểm cháy nổ không? Ai kiểm tra việc mua bảo hiểm này? Nếu chủ khai thác bãi xe họ không mua bảo hiểm cháy nổ thì có được tiếp tục cho khai thác hay không?

 

Theo ông Phúc, việc mua bảo hiểm của bãi xe ở tầng hầm có 2 trường hợp. Trường hợp thứ nhất, đơn vị quản lý vận hành không thuê đơn vị làm dịch vụ giữ xe chuyên nghiệp mà tự giữ xe (có thể bố trí bảo vệ giữ xe) thì việc mua bảo hiểm cho bãi xe có thể có, có thể không vì không bắt buộc. Để giảm thiệt hại khi có sự cố thì đa số các đơn vị quản lý vận hành sẽ mua bảo hiểm.

 

Trường hợp 2 là đơn vị quản lý vận hành có thuê đơn vị dịch vụ giữ xe chuyên nghiệp thì thông thường các đơn vị quản lý vận hành sẽ yêu cầu đơn vị làm dịch vụ giữ xe phải mua bảo hiểm. Mức độ yêu cần này tùy thuộc vào ý thức và mức độ chuyên nghiệp của đơn vị quản lý vận hành (và của cả chủ đầu tư và ban quản trị).

 

Ở Q7 Saigon Riverside Complex, Hưng Thịnh Corp giao cho CBRE phụ trách quản lý, vận hạnh khu phức hợp này

 

"Đơn vị quản lý vận hành (hoặc Ban quản trị hoặc cư dân) hoàn toàn có quyền yêu cầu đơn vị giữ xe phải mua bảo hiểm cháy nổ trong tầng hầm để hạn chế rủi ro. Trong trường hợp đơn vị giữ xe này không thực hiện thì yêu cầu đổi đơn vị giữ xe này bằng đơn vị giữ xe khác chuyên nghiệp và trách nhiệm hơn", ông Phúc nói.

 

Nam Phong

Theo Nhịp sống kinh tế

TOP